Đặc điểm của PISA

a) Quy mô của PISA rất lớn và có tính toàn cầu. Qua 6 kỳ khảo sát đánh giá, ngoài các nước thuộc khối OECD còn có rất nhiều quốc gia là đối tác của khối OECD đăng ký tham gia. 
b) PISA được thực hiện đều đặn theo chu kì (3 năm 1 lần) tạo điều kiện cho các quốc gia có thể theo dõi sự tiến bộ của nền giáo dục đối với việc phấn đấu đạt được các mục tiêu giáo dục cơ bản. 
c) Cho tới nay PISA là cuộc khảo sát giáo dục duy nhất chuyên đánh giá về năng lực phổ thông của học sinh ở tuổi 15, độ tuổi kết thúc giáo dục bắt buộc ở hầu hết các quốc gia. 
d) PISA chú trọng xem xét và đánh giá một số vấn đề sau:
- Chính sách công (public policy). Các chính phủ, các nhà trường, giáo viên và phụ huynh đều muốn có câu trả lời cho tất cả các câu hỏi như "Nhà trường của chúng ta đã chuẩn bị đầy đủ cho những người trẻ tuổi trước những thách thức của cuộc sống của người trưởng thành chưa?", "Phải chăng một số loại hình giảng dạy và học tập của những nơi này hiệu quả hơn những nơi khác?" và "Nhà trường có thể góp phần cải thiện tương lai của học sinh có gốc nhập cư hay có hoàn cảnh khó khăn không?",...
- Năng lực phổ thông (literacy). Thay vì kiểm tra sự thuộc bài theo các chương trình giáo dục cụ thể, PISA chú trọng việc xem xét đánh giá về các năng lực của học sinh trong việc ứng dụng các kiến thức và kĩ năng phổ thông cơ bản vào các tình huống thực tiễn. Ngoài ra còn xem xét đánh giá khả năng phân tích, lí giải và truyền đạt một cách có hiệu quả các kiến thức và kĩ năng đó thông qua cách học sinh xem xét, diễn giải và giải quyết các vấn đề.
- Học tập suốt đời (lifelong learning). Học sinh không thể học tất cả mọi thứ cần biết trong nhà trường. Để trở thành những người có thể học tập suốt đời có hiệu quả, ngoài việc thanh niên phải có những kiến thức và kĩ năng phổ thông cơ bản họ còn phải có cả ý thức về động cơ học tập và cách học. Do vậy PISA sẽ tiến hành đo cả năng lực thực hiện của học sinh về các lĩnh vực Đọc hiểu, Toán học và Khoa học, đồng thời còn tìm hiểu cả về động cơ, niềm tin vào bản thân cũng như các chiến lược học tập hỏi học sinh.
Một năm trước khi cuộc khảo sát diễn ra, tài liệu và các thủ tục tiến hành được thử nghiệm trên tất cả các nước áp dụng PISA. 
Thủ tục chọn mẫu cho kì khảo sát chính thức được thực hiện qua hai bước. Đầu tiên là chọn ngẫu nhiên mẫu trường, sau đó học sinh sẽ được chọn ngẫu nhiên từ các trường đó sao cho phù hợp với các tiêu chuẩn về đối tượng thi PISA. Cỡ mẫu của mỗi nước thường là 5,250 học sinh đến từ 150 trường. Tuy nhiên, kích cỡ mẫu của kỳ khảo sát PISA 2015 đã tăng lên 6.300 học sinh đến từ 150 trường nhằm tổ chức tốt đánh giá lĩnh vực Hợp tác giải quyết vấn đề. Nhờ đó, ước lượng đánh giá thu từ các dữ liệu được đảm bảo đủ chi tiết để đưa ra kết luận khái quát về năng lực của học sinh tại thông qua mẫu đã chọn.
Tất cả các nước tham gia khảo sát đều sử dụng một bộ công cụ đánh giá học sinh chung. Các công cụ chính để khảo sát gồm có các bộ đề khảo sát (Test), phiếu hỏi học sinh và phiếu hỏi nhà trường (questionnaires). Sau khi được dịch và thích ứng cho phù hợp với văn hóa từng nước, các tài liệu được thẩm định kỹ lưỡng; tất cả những thủ tục liên quan đến cuộc khảo sát đều được tiêu chuẩn hóa và giám sát nghiêm ngặt ở mỗi quốc gia. Hai điều kiện trên góp phần đảm bảo kết quả khảo sát mang tính xác thực và có giá trị trong việc so sánh giáo dục phổ thông giữa các nước cũng như giữa các khu vực trong cùng một nước.
Dữ liệu PISA được định mức theo lý thuyết ứng đáp câu hỏi (item response theory - IRT, cụ thể là theo mô hình Rasch). Chính điều này đã cho phép nhiều dạng câu hỏi được áp dụng trong bài khảo sát PISA, và so sánh giữa các nước thành viên tham gia và báo cáo về xu hướng phát triển của dữ liệu (so sánh các kết quả của khảo sát).
Trong quá trình tiến hành cuộc khảo sát, các dữ liệu phải qua quá trình kiểm tra và hợp thức hóa nghiêm ngặt. Các trung tâm quốc gia đều phải tham gia phê duyệt và kết hợp với Liên doanh nhà thầu quốc tế để xử lí dữ liệu.
OECD sẽ xuất bản bản báo cáo quốc tế ban đầu về kết quả cuộc khảo sát vào tháng 12 năm sau của năm tổ chức Khảo sát chính thức. Cơ sở dữ liệu cũng được công bố cùng bản báo cáo và ngay sau đó là bản báo cáo kỹ thuật. OECD cũng sẽ xuất bản tài liệu hướng dẫn nhằm giúp các nước hiểu và phân tích dữ liệu. Sau bản báo cáo ban đầu, bản báo cáo chuyên môn sẽ được công bố, trong đó đưa ra hướng giải quyết chi tiết cho từng chủ điểm cụ thể. Hội đồng quản trị PISA xét duyệt nội dung trọng tâm của những bản báo cáo chuyên ngành đó. 
Mọi ấn phẩm và cơ sở dữ liệu quốc tế của OECD đều có trên website OECD PISA:  <www.pisa.oecd.org>.
 
THĂM DÒ Ý KIẾN

Cảm nhận của bạn về website

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay383
  • Tháng hiện tại37,407
  • Tổng lượt truy cập313,118
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây