Các đặc điểm chính của năng lực Đọc hiểu
Thứ năm - 14/12/2017 09:45
Đánh giá về năng lực Đọc hiểu PISA được xây dựng trên ba đặc điểm chính sau:. Tình huống (Situation): là phạm vi của các ngữ cảnh hoặc là mục đích diễn ra bài đọc hiểu;. Văn bản (Text): là phạm vi đọc tài liệu; và. Khía cạnh (Aspect): là sự tiếp cận nhận thức (cognitive approach) nhằm xác định cách thức tham gia vào văn bản của người đọc.
Đánh giá về năng lực Đọc hiểu PISA được xây dựng trên ba đặc điểm chính sau:
. Tình huống (Situation): là phạm vi của các ngữ cảnh hoặc là mục đích diễn ra bài đọc hiểu;
. Văn bản (Text): là phạm vi đọc tài liệu; và
. Khía cạnh (Aspect): là sự tiếp cận nhận thức (cognitive approach) nhằm xác định cách thức tham gia vào văn bản của người đọc.
Trong PISA, những đặc trưng của các biến văn bản và khía cạnh (không phải là các biến tình huống) cũng được điều chỉnh để tác động tới độ khó của nhiệm vụ.
Đọc hiểu là một hoạt động phức tạp. Các yếu tố của đọc hiểu, không tồn tại độc lập với nhau theo các ngăn gọn gàng. Chương trình khung được cung cấp nhằm đảm bảo vùng bao phủ, hướng dẫn xây dựng việc đánh giá và thiết lập các thông số để lập báo cáo, dựa trên những nội dung nằm trong các đặc trưng đã đánh dấu của mỗi nhiệm vụ.
- Tình huống (Situation)
Có 4 biến tình huống - cá nhân, cộng đồng, giáo dục và nghề nghiệp - được mô tả ở các đoạn dưới đây:
(1) Tình huống cá nhân (personal) có liên quan tới những văn bản được sử dụng nhằm đáp ứng lợi ích cá nhân, cả tính thực tiễn và trí tuệ. Loại này còn bao gồm các văn bản được dùng để duy trì hoặc xây dựng các mối quan hệ cá nhân với giữa con người. Trong đó gồm có thư cá nhân, tiểu thuyết, tiểu sử và các văn bản thông tin có dự định nhằm thỏa mãn sự tò mò.
(2) Tình huống cộng đồng (public) là đọc các văn bản về những hoạt động và mối quan tâm của xã hội rộng lớn. Loại này còn bao gồm các tài liệu và thông tin chính thức về các sự kiện công. Nhìn chung, các văn bản liên quan tới loại này bao gồm các kiểu blog, trang web tin tức và thông báo công khai xuất hiện dưới dạng bản in và trực tuyến.
(3) Tình huống giáo dục (educational) thường được thiết kế đặc biệt dành cho mục đích giảng dạy. Sách giáo khoa in và phần mềm học tập tương tác đều là những ví dụ điển hình của các tài liệu sản xuất dành cho kiểu đọc này.
(4) Tình huống nghề nghiệp (occupational): Nhiều học sinh ở độ tuổi 15 sẽ ra trường và tham gia vào lực lượng lao động trong vòng 1-2 năm nữa. Nhiệm vụ đọc hiểu nghề nghiệp (occupational) là một trong số các nhiệm vụ có liên quan tới việc hoàn thành một số nhiệm vụ trước mắt. Trong đó có thể là tìm việc, phần quảng cáo trên một tờ báo in hoặc trực tuyến; hoặc làm theo những chỉ dẫn về nơi làm việc. Các nhiệm vụ dạng này thường được gọi là “đọc để làm” (reading to do) (Sticht, 1975; Stiggins, 1982).
Tình huống (Situation) được sử dụng trong năng lực đọc hiểu PISA để xác định văn bản và nhiệm vụ có liên quan, đề cập tới ngữ cảnh và mục đích sử dụng mà tác giả xây dựng văn bản.
Cần lưu ý rằng bốn loại trên có mối quan hệ chồng lên nhau. Trên thực tế, ví dụ: có thể sử dụng văn bản để thu hút chú ý và để hướng dẫn (cá nhân và giáo dục); hoặc tư vấn về mặt chuyên môn gồm những thông tin chung (nghề nghiệp và cộng đồng).
- Văn bản (Text)
Đọc hiểu yêu cầu cần có tài liệu cho độc giả đọc. Trong một đánh giá, tài liệu - văn bản (hoặc tập hợp các văn bản) có liên quan tới nhiệm vụ cụ thể - phải có tính chặt chẽ. Đó là, văn bản phải có khả năng đứng một mình, không cần tài liệu bổ sung có ý nghĩa để người đọc có trình độ hiểu được. Từ năm 2009, đã có bốn kiểu phân loại chính về văn bản:
(1) Phương tiện truyền đạt (Medium): trên giấy và trên máy tính.
(2) Hoàn cảnh (Environment): theo tác giả, theo ý văn và hỗn hợp.
(3) Định dạng văn bản (Text format): liên tục, không liên tục, hỗn hợp và phức hợp.
(4) Dạng văn bản: mô tả, tường thuật, bình luận, tranh luận, hướng dẫn và giao dịch.
- Khía cạnh (Aspect):
Có 3 khía cạnh hướng dẫn xây dựng các nhiệm vụ đánh giá năng lực đọc hiểu: Tiếp cận và truy xuất; Tích hợp và diễn giải; Phản ánh và đánh giá.
(1) Tiếp cận và truy xuất thông tin (Access and retrieve)
Các nhiệm vụ tiếp cận và truy xuất có thể là xác định các thông tin chi tiết theo yêu cầu của nhà tuyển dụng từ quảng cáo tuyển dụng để tìm kiếm một số điện thoại với một vài mã tiền tố, để tìm kiếm một sự kiện cụ thể nhằm ủng hộ hoặc bác bỏ yêu cầu của một người nào đó. Truy xuất là quá trình lựa chọn thông tin cần thiết, còn tiếp cận là quá trình tới không gian và vị trí của thông tin cần thiết. Một số câu hỏi có thể yêu cầu chỉ truy xuất thông tin, đặc biệt ở bản in trên giấy có thể nhìn thấy ngay lập tức thông tin, nơi người đọc chỉ phải lựa chọn những nội dung phù hợp trong một không gian có thông tin được quy định rõ ràng.
(2) Tích hợp và diễn giải (Integrate and interpret)
Tích hợp và diễn giải liên quan đến việc xử lý nội dung đã đọc để làm chúng trở nên có ý nghĩa trong văn bản.
Tích hợp tập trung vào thể hiện sự hiểu biết về tính mạch lạc của văn bản. Tích hợp là kết nối nhiều mẩu thông tin khác nhau để biến thành có ý nghĩa, xác định các điểm giống và khác nhau giữa chúng, so sánh về mức độ hoặc hiểu về những mối quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả.
Diễn giải là quá trình tạo ý nghĩa từ một cái gì đó vẫn chưa thể hiện ra. Khi diễn giải, người đọc xác định những giả thuyết hoặc tác động cơ sở của một phần hoặc toàn bộ văn bản.
Cả tích hợp và diễn giải đều yêu cầu phải hình thành sự hiểu biết rộng. Người đọc phải xem xét văn bản theo quan điểm tổng thể hoặc toàn diện. Học sinh thể hiện sự hiểu biết ban đầu bằng cách xác định thông điệp hoặc chủ đề chính bằng cách xác định cách sử dụng hoặc mục đích chung của văn bản.
Ngoài ra, cả tích hợp và diễn giải đều liên quan tới việc xây dựng phần diễn giải, trong đó yêu cầu người đọc phải mở rộng những cảm nhận ban đầu của mình để xây dựng sự hiểu biết sâu sắc hơn, cụ thể hơn hoặc toàn diện về những nội dung đã đọc.
Các nhiệm vụ tích hợp bao gồm việc xác định và lập danh sách những tài liệu hỗ trợ, so sánh và đối chiếu thông tin trong đó yêu cầu người đọc phải rút ra hai hoặc nhiều mẩu thông tin từ văn bản. Để xử lý các dạng thông tin ẩn hoặc rõ ràng từ một hoặc nhiều nguồn ở các dạng nhiệm vụ này, người đọc thường phải suy luận ra mối quan hệ dự kiến.
Các nhiệm vụ diễn giải là rút ra suy luận từ ngữ cảnh đưa ra, ví dụ: diễn giải ý nghĩa của một từ hoặc cụm từ có đưa ra một sắc thái cụ thể vào văn bản.
Do đó, có thể xem mối quan hệ giữa các quá trình tích hợp và diễn giải là mật thiết và tương tác. Tích hợp là suy luận đầu tiên về một mối quan hệ trong văn bản (một loại diễn giải) và sau đó là ghép các thông tin lại với nhau, theo đó sẽ xây dựng được phần diễn giải nhằm hình thành một tổng thể tích hợp mới.
(3) Phản ánh và đánh giá (Reflect and evaluate)
Phản ánh và đánh giá là rút ra kiến thức, ý tưởng hoặc thái độ ngoài văn bản nhằm liên kết thông tin trong văn bản với các khung tham khảo (frames of reference) về khái niệm và kinh nghiệm bản thân.
Các câu hỏi phản ánh yêu cầu người đọc tham khảo kinh nghiệm và kiến thức bản thân nhằm so sánh, đối chiếu hoặc đưa ra giả thuyết. Các câu hỏi đánh giá yêu cầu người đọc rút ra nhận xét theo các tiêu chuẩn ngoài văn bản.
Phản ánh và đánh giá về nội dung văn bản yêu cầu người đọc kết nối thông tin trong văn bản với kiến thức từ các nguồn bên ngoài. Ngoài ra, người đọc phải đánh giá những tuyên bố trong văn bản với kiến thức bản thân về thế giới. Người đọc cần phải trình bày rõ ràng và bảo vệ quan điểm riêng của bản thân.
Phản ánh và đánh giá về hình thức văn bản yêu cầu người đọc đứng ngoài văn bản, xem xét một cách khách quan và đánh giá chất lượng và sự thích hợp của nó. Đánh giá mức độ thành công mà tác giả miêu tả một số đặc điểm hoặc thuyết phục người đọc sẽ không chỉ phụ thuộc vào nội dung kiến thức mà còn phụ thuộc vào khả năng phát hiện sự tinh tế trong ngôn ngữ.
Chúng tôi trên mạng xã hội